Việt Nam đang đối diện với ô nhiễm nước ở mức báo động
Ở Việt Nam, mỗi ngày có đến 2 triệu m3 nước thải công nghiệp xả thẳng ra môi trường. Nhân ngày nước thế giới với chủ đề “Nước thải” sẽ diễn ra vào 22/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đang đối mặt với ô nhiễm nước ở mức báo động.
Theo Liên Hợp quốc, trên toàn cầu, hơn 80% nước thải xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý và không được tái sử dụng. Theo thống kê, hiện có 1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước uống có chứa vi khuẩn gây ra các bệnh như tiêu chảy, kiết lị, thương hàn... Điều đó cũng khiến cho 842,000 người chết mỗi năm do ảnh hưởng của các căn bệnh này.
Theo đó, các nguồn gây ô nhiễm chính gồm nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn từ sản xuất công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt, nông nghiệp. Tỷ lệ này ở Việt Nam còn rất cao. Tổng lượng nước thải các khu công nghiệp toàn quốc khoảng trên 3 triệu m3/ngày đêm nhưng 70% (khoảng hơn 2 triệu m3) chưa qua xử lý, xả thẳng ra môi trường gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng.
Ở nhiều nhà máy nước thải được xả chưa qua xử lý, xả thẳng trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm
Nước thải bệnh viện (loại nước thải có chứa rất nhiều chất hữu cơ và là ổ vi trùng gây bệnh) cũng được xử lý ở tỷ lệ thấp. Cả nước có khoảng 13.674 cơ sở y tế với 1253 bệnh viện, 1037 cơ sở dự phòng, 11.104 trạm y tế xã, thải ra trung bình 150.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, khoảng 46% các bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Thống kê cũng cho thấy, hiện có 663 triệu người chưa được tiếp cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh. Đến năm 2050, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới sống trong các đô thị. Con số này hiện nay là 50%.
Hiện tại, hầu hết các thành phố ở các quốc gia đang phát triển không có đủ cơ sở hạ tầng và tài nguyên để giải quyết vấn đề nước thải một cách hiệu quả và bền vững.
Liên Hợp quốc cũng cho rằng, có nhiều cơ hội để khai thác tài nguyên nước thải. Nước thải được quản lý hiệu quả sẽ là nguồn tài nguyên nước, năng lượng, dinh dưỡng có chi phí hợp lý và bền vững.
Chi phí cho quản lý nước thải không đáng kể so với các lợi ích về sức khoẻ, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại cơ hội nghề nghiệp và tạo ra nhiều việc làm "xanh" xã hội.
(Theo: http://suckhoemoitruong.com.vn)