Xử lý xả thải gây ô nhiễm nguồn nước: Nhiều giải pháp căn cơ
Hiện nay, sự gia tăng dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa trên khắp đất nước đã gây ra áp lực lớn đến môi trường và tài nguyên nước ở Việt Nam. Nhiều dòng sông ô nhiễm đến mức báo động nhưng việc giảm thiểu ô nhiễm, khôi phục dòng sông hoặc đoạn sông diễn ra rất chậm.
Muôn nẻo nguồn thải
Thực tế cho thấy, dân số tăng đồng nghĩa với lượng chất thải và nước thải cũng tăng, công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng cũng đồng thời với tăng lượng chất thải và ô nhiễm môi trường. Trong đó, ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nhức nhối nhất, bức xúc nhất đòi hỏi phải được ưu tiên giải quyết sớm do đặc trưng lan truyền và tác động đến môi trường thủy sinh.
Các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước chính do nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn từ sản xuất công nghiệp, làng nghề, chế biến nông lâm thủy sản; nước thải từ sinh hoạt; nước thải từ sản xuất nông nghiệp…
Cả nước hiện có 316 khu công nghiệp và 16 khu kinh tế ven biển. Đóng góp vào kinh tế quốc gia từ các khu công nghiệp là rất đáng kể với tổng doanh thu tính đến cuối tháng 7/2016 đạt hơn 79,3 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2015. Tính đến 7 tháng năm 2016, các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng đã tạo thêm hơn 250 nghìn việc làm mới. Tổng số lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế lũy kế đến hết tháng 7/2016 là hơn 3 triệu lao động.
Cùng với đó, Việt Nam có khoảng 2.790 làng nghề, trong đó, có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Tổng lượng nước thải các khu công nghiệp toàn quốc khoảng trên 3 triệu m3/ngày đêm.
Mặc dù, đóng góp cho nền kinh tế là đáng kể nhưng với 70% nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường đã gây hậu quả về môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và môi trường thủy sinh.
Không những thế, nước thải đô thị vẫn còn là vấn đề nan giải. Theo thống kê, hiện có 94% người dân sử dụng nhà vệ sinh, đến 2012, có 17 nhà máy xử lý nước thải đô thị được xây dựng với công suất khoảng 600.000 m3/ngày đêm. Tuy vậy, lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Nước thải bệnh viện phát sinh từ rất nhiều hoạt động của ngành y tế, là loại nước thải có chứa rất nhiều chất hữu cơ và là ổ vi trùng gây bệnh. Ngoài ra, nguồn rác thải bệnh viện cũng là mối nguy cơ gây ô nhiễm rất cao cho môi trường nếu không được xử lý. Cả nước có khoảng 13.674 cơ sở y tế trong đó 1.253 bệnh viện, 1.037 cơ sở dự phòng, 11.104 trạm y tế xã thải ra trung bình 150.000 m3/ngày đêm. Loại nước thải y tế gây ô nhiễm nặng về hữu cơ và hàm lượng vi sinh cao gấp 100 - 1000 lần tiêu chuẩn cho phép. Hiện tại, mới có khoảng 54% các bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải, trong đó, bệnh viện Trung ương chiếm 73%, hệ thống xử lý ở tuyến tỉnh là 60%, ở huyện chiếm 45%. Hầu như các bệnh viện đều có hoạt động phân loại chất thải rắn y tế. Các bệnh viện nói chung chưa có hệ thống phân luồng các nguồn nước thải, khi mưa xuống sẽ cuốn nước thải bệnh viện vào hệ thống kênh mương, ao hồ và ngấm xuống đất mang theo các chất ô nhiễm gây tác hại lớn cho con người và môi trường.
Cần tổng thể nhiều giải pháp
Các chuyên gia về tài nguyên nước đã đề xuất một số giải pháp khắc phục trong đó: Việc quy hoạch xả thải phải được tích hợp với quy hoạch tiêu thoát úng, lũ trên phạm vi lưu vực sông. Từ quy hoạch xả thải có thể phát triển thành quy hoạch vệ sinh môi trường (xả thải, khu chứa và chôn lấp chất thải rắn, phân định khu nghĩa trang…) có xét đến công nghệ xử lý nước thải và rác thải ở các giai đoạn sau.
Về quản lý xả thải: Hiện tại, việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, quản lý xả thải của nước ta còn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất. Các chức năng và trách nhiệm trong việc giám sát và quản lý xả thải từ khâu cấp phép đến khâu thanh gia, giám sát, và xử lý hậu quả còn rất lúng túng, thiếu nguồn lực, thiếu công nghệ và thiếu sự phối hợp với địa phương và đặc biệt thiếu sự tham gia của người dân nên không phát hiện kịp thời các sự kiện, không kiểm soát kịp thời chất thải và công nghệ thải nên việc xử lý hậu quả kém hiệu quả.
Về quy chuẩn, thể chế và chính sách: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xả thải và môi trường đã tương đối đầy đủ nhưng trên thực tế việc triển khai còn rất yếu và thiếu công cụ hỗ trợ. Có nhiều ý kiến cho rằng, quy chuẩn và tiêu chuẩn xả thải của Việt Nam thấp hơn tiêu chuẩn khu vực và thế giới rất nhiều. Để tránh hoặc hạn chế gây ô nhiễm môi trường biển, các khu công nghiệp ven biển cần có hệ thống thu gom nước thải, xử lý tập trung trước khi thải ra biển.
Ngoài quy chuẩn về hệ thống xử lý nước thải tập trung cần xem xét lại quy định nội dung, trình tự về lập và đánh giá tác động môi trường, trong đó, việc đánh giá tác động cần được xem xét là đánh giá tổng hợp và tích lũy, tổng hợp về tác động đến ngành nghề và môi trường tự nhiên, việc đánh giá nước thải ra môi trường cần xét đến khả năng và giới hạn hấp thụ và tự làm sạch của môi trường, ngoài ra đánh giá tác động lũy tích theo thời gian dài cũng nên được xem xét. Vì vậy, hướng dẫn về ĐTM cần được hoàn thiện thêm.
Đối với từng loại xả thải, cần phải có quy chuẩn riêng, chẳng hạn như xả thải nước sinh hoạt phải có quy chuẩn khác biệt với xả thải từ sản xuất công nghiệp hoặc từ bệnh viện và các khu công nghiệp tập trung, đặc biệt đối với các khu công nghiệp và kinh tế ven biển, mức lan tỏa ô nhiễm là vô cùng bất lợi.
Công nghệ giám sát xả thải cần được nâng cấp và theo thời gian thực để cơ quan quản lý có thể ứng phó và giám sát kịp thời theo các số liệu theo thời gian thực.
Việc giám sát nhằm phát hiện kịp thời các sự cố ô nhiễm tức thời cần có cơ chế để khuyến khích người dân tham gia. Tuy vậy, hiện chỉ có Luật Đất đai người dân mới được tham gia giám sát, còn lại không có luật nào quy định việc người dân tham gia giám sát. Việc giám sát phải được quy định rõ từ khâu quy hoạch, thiết kế và xây dựng, vận hành cơ sở sản xuất. Cần có quy định một cách cụ thể hơn về việc xây dựng hạ tầng xử lý chất thải bằng các văn bản pháp luật cho các giai đoạn hình thành dự án.
Để tăng cường năng lực giám sát xả thải của các cơ sở sản xuất, nên chăng cần có chính sách để người dân tham gia quá trình giám sát hoạt động xả thải, vì người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường. Bên cạnh đó, cần có những mức xử phạt cao và hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm và gây ô nhiễm môi trường, góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường từng bước đi vào nề nếp.
Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến trách nhiệm các bên trong quản lý giám sát môi trường và xả thải còn chưa thực rõ từ khâu quy hoạch, xây dựng, vận hành các cơ sở sản xuất công nghiệp và làng nghề. Tại khâu quy hoạch nếu các quy định về quy trình xử lý nước thải được phê duyệt sẽ giảm bớt áp lực cho việc thiết kế và vận hành hệ thống xả và xử lý nước thải. Khâu quy hoạch nếu được xem xét kỹ cũng sẽ gắn kết hệ thống thải nước với hệ thống tiêu thoát nước một cách đồng bộ, không rời rạc để tạo cơ hội cho ô nhiễm gia tăng. Nếu phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn ở giai đoạn quy hoạch, cần có quan điểm rõ ràng để từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phải có sự thống nhất giữa cơ quan Trung ương với địa phương để tránh tình trạng địa phương này không nhận dự án địa phương khác nhận. Ở khâu thiết kế đã bộc lộ nhiều điểm yếu của quy định Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Lẽ ra trong giai đoạn này phải xác định được công nghệ xử lý nước thải, nguồn thải và chất lượng nước thải. Hiện tại, hầu như mọi sự cố môi trường xảy ra rồi, các đơn vị quản lý mới vào cuộc để giải quyết hậu quả. Như vậy, việc khắc phục rất khó khăn và tốn kém.
(Theo: baotainguyenmoitruong.vn)