"Công xưởng thế giới" đang khát nước

Tình trạng thiếu nước ở Ấn Độ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động làm ăn của các công ty, mà còn đe dọa cuộc sống của người dân ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này.

Hỗn loạn vì thiếu nước

Imrat Namdev và Pushpa Namdev là hai chị em gái. Họ sống cạnh nhau ở một ngôi làng trong huyện Chhatarpur, khu vực bị hạn hán trầm trọng thuộc vùng Bundelkhand, miền Trung Ấn Độ.

Tháng 5 vừa qua, Pushpa, 42 tuổi, đã dùng gậy đánh chị mình trong lúc tranh cãi khi sử dụng nước giếng chung. Imrat, 48 tuổi, qua đời tại bệnh viện và Pushpa bị buộc tội giết người.

“Làng chúng tôi phải đối mặt với sự thiếu hụt nước nghiêm trọng”, con trai của Imrat nói với Reuters. Sau gần 10 năm có lượng mưa dưới mức trung bình và một số năm hạn hán liên tiếp, các dòng sông, ao đầm, hồ chứa và giếng nước trong khu vực đang khô cạn. Theo số liệu của chính quyền bang Madhya Pradesh, trong số 139 hồ chứa chính của khu vực, có 82 hồ chỉ còn 10%, còn 22 hồ cạn khô.

Cảnh sát Bundelkhand cho hay, trong bối cảnh các khu vực phía Bắc và miền Trung Ấn Độ đang hứng chịu hạn hán nghiêm trọng, đụng độ do tranh giành nước sạch đang trở nên thường xuyên hơn và đẫm máu hơn.

Tại huyện Ballari, nơi từng là căn cứ quân sự của Anh ở miền Nam Ấn Độ, các công nhân của nhà máy sản xuất quần jean Aditya đang ngồi rảnh rỗi trên hè phố. Mặc dù ca làm việc của họ đã bắt đầu từ hơn một giờ trước đó, nhưng những công nhân này chưa thể làm việc khi xe bồn chở nước chưa tới. Chiếc giếng thường cung cấp nước cho sản xuất đã khô cằn từ lâu. Ông chủ nhà máy, Bachal Lal Varma, phải bỏ ra 5.000 rupee (tương đương 74 đô la Mỹ)/ngày để mua nước từ xe bồn, nhằm duy trì hoạt động của xưởng. Số tiền này nhiều gấp 3 lần lợi nhuận mỗi ngày.

“Tôi sẽ cố gắng duy trì cho đến khi không thể tiếp tục được”, Varma nói với hãng tin Bloomberg.

Huyện Ballari, nằm giữa bang Goa và Chennai ở miền Nam Ấn Độ, là nơi có khoảng 3.000 công ty dệt may, sử dụng khoảng một phần năm lực lượng lao động của khu vực. Nơi đây chủ yếu sản xuất quần jean giá rẻ, xuất khẩu sang Mỹ, Trung Đông, Úc và châu Âu.

Cảnh túng quẫn của người dân ở Bundelkhand và của những người làm trong ngành dệt may nhỏ ở Ballari báo hiệu nguy cơ cho kế hoạch của Thủ tướng Narendra Modi, muốn biến Ấn Độ thành công xưởng sản xuất lớn của thế giới.

Trong vài thập kỷ tới, các cuộc tranh giành nước dự kiến sẽ làm tăng chi phí và rủi ro cho các công ty đang đi theo lời kêu gọi sản xuất hàng hóa “Made in India” của Thủ tướng Modi.

Cắt nước cho công nghiệp

Ấn Độ là nơi sinh sống của một phần sáu dân số thế giới nhưng chỉ nhận được 4% lượng nước ngọt trên trái đất. Hơn một nửa số dân của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Đến năm 2030, dự kiến nhu cầu sử dụng nước sẽ vượt quá 50% nguồn cung, theo số liệu của Nhóm Tài nguyên nước, một tổ chức xã hội dân sự hoạt động dưới sự phối hợp của Công ty Tài chính Quốc tế - IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới.


Bà Anette Andersson, một nhà quản lý quỹ đầu tư có trụ sở tại Thụy Sỹ, cảnh báo tình trạng thiếu nước có thể ngăn cản các công ty thiết lập cơ sở sản xuất ở Ấn Độ. Điển hình là năm 2014, công ty Coca-Cola đã phải dừng kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 24 triệu đô la.

Chính phủ của ông Modi cũng nhận ra vấn đề này. Năm ngoái, chính phủ liên bang lần đầu tiên yêu cầu tất cả các công ty có sử dụng nguồn nước ngầm phải xin phép. Vào tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường Prakesh Javadekar cho biết: Ấn Độ sẽ hướng tới mục tiêu giảm thiểu sử dụng nước công nghiệp còn một nửa trong vòng năm năm tới, bằng cách sử dụng công nghệ mới nhất để tái sử dụng, thu hồi và tái chế nước.

Bất chấp những tuyên bố đó, cho đến nay, thật khó nhìn thấy bất cứ thay đổi gì. Lý do được cho là rất đơn giản: tiền nước quá rẻ và công tác thực thi pháp luật ở đây rất yếu.

“Cuộc khủng hoảng hiện nay là hậu quả của tiêu thụ quá mức, sử dụng lãng phí và hệ thống quản lý kém hiệu quả”, ông Ajay Dubey, một nhà hoạt động môi trường tại bang Madhya Pradesh, bình luận.

Còn Damandeep Singh, Giám đốc một tổ chức phi chính phủ, thì cho rằng cái gì miễn phí đều bị lạm dụng.

“Việc tăng giá nước lên mức hợp lý sẽ có thể giúp tăng cường ý thức tiết kiệm nước”, ông nói.

Tại Ấn Độ, giá nước rẻ chủ yếu là vì lý do chính trị. Các chính trị gia không muốn gây phiền hà cho cử tri hoặc các doanh nghiệp tham gia đóng góp cho các chiến dịch tranh cử của mình.

Khi chính quyền cố gắng tìm cách “ăn dè” nước cho tới mùa mưa, thì các giải pháp mà họ đưa ra chỉ làm trầm trọng thêm cảm giác tuyệt vọng.

Ở nhiều nơi, chính quyền cấm dùng nước để rửa ô tô, tắm cho gia súc hoặc tưới cây. Trong hầu hết các thành phố ở bang Madhya Pradesh, chính quyền chỉ cấp nước dùng cho mục đích sinh hoạt đúng một lần trong vòng từ 2-7 ngày.

Lokesh Kumar, quan chức thị trấn Ichhawar, cho biết việc sử dụng nước cho nông nghiệp hoặc công nghiệp sẽ bị cấm cho tới ít nhất là giữa tháng 7, thời điểm hy vọng bắt đầu mùa mưa.

Và trong bối cảnh thiếu nước, các nhà máy thường là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng. Mặc dù ngành công nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% lượng sử dụng nước của Ấn Độ, nhưng chính quyền không muốn xâm phạm các “đối tượng” còn lại.

Năm nay, bang Maharashtra đã hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và họ đã cắt 50% nguồn cung cấp nước cho công nghiệp. Nhà máy Lọc hóa dầu Mangalore đã phải đóng cửa một đơn vị khai thác dầu thô ở miền Nam Ấn Độ. Còn Công ty NTPC cũng phải đóng cửa một nhà máy nhiệt điện ở phía Đông của đất nước.

Trong khi chờ tới mùa mưa, doanh nghiệp của ông Varma vẫn đang hoạt động cầm chừng. Ông và vài chủ doanh nghiệp khác đang hy vọng vào một đường ống mới sẽ được xây dựng để cấp nước từ một con sông cách đó 10 dặm.

Nhưng những thế hệ sau đó, như con của ông Hare Ram, chủ sở hữu doanh nghiệp Sony Jeans Washers & Readymade Garments, cho biết họ không muốn nối nghiệp ông cha, duy trì công việc sản xuất hàng may mặc ở Ballari. “Tôi không thể mở rộng quy mô kinh doanh của tôi vì thiếu nguồn lực”, ông Ram cho biết. “Làm sao có thể sản xuất nếu không có nước?” ông nói. Và đó là lý do mà các con ông muốn rời bỏ ngành công nghiệp này.

Đối với nhiều người khác ở vùng nông thôn Ấn Độ, cuộc đấu tranh để sinh tồn cũng đã là quá khó khăn, nói gì đến chuyện kinh doanh. Tại Bundelkhand, ngày càng có nhiều người đang rời khỏi nhà cửa, từ bỏ công việc của mình để đi theo tiếng gọi của nước, ở những nơi khác, thậm chí chỉ cần nhiều hơn một chút. Asandi Das, người dân sống trong một ngôi làng ở huyện Chhatarpur, đang dự định đưa gia đình đến Agra, nơi có ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng, nằm ở bang phía Bắc Uttar Pradesh. Ông Das cho biết: “Chúng tôi sẽ không thể tồn tại trong làng của mình. Chỉ vì không có nước. Chúng tôi sẽ phải đi đến nơi khác, nếu muốn sống”.

(Theo: http://dwrm.gov.vn)

Tin tức sự kiện

Công ty cổ phần thiết bị và công nghệ môi trường Quốc Tế - INEET đã và đang là nhà phân phối độc quyền sản phẩm hóa chất chống cáu cặn - ăn mòn - rong rêu- vi sinh cho hệ thống lạnh hở và kín của hãng INDION - INDIA.

Dung dịch vệ sinh lưới tản nhiệt Alkaline Coil Cleaner là sản phẩm thuộc tập đoàn hóa chất Lamshenghang - Singapore phát triển chuyên biệt cho việc bảo trì vệ sinh lưới tản nhiệt, dàn Coil và được phân phối độc quyền bởi INEET

Tình trạng thiếu nước ở Ấn Độ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động làm ăn của các công ty, mà còn đe dọa cuộc sống của người dân ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này.

Vật liệu chứa nước dạng hình cầu có khả năng phân hủy sinh học, đảm bảo vệ sinh với chi phí sản xuất chỉ 1 xu/sản phẩm hứa hẹn sẽ thay thế hoàn hảo các chai nhựa hiện tại.

Bí kíp sẽ đưa đến cho bạn những cách xử lý nguồn nước khẩn cấp sau các trận bão lũ...

Giảm lượng oxy hòa tan trong đại dương là nguyên nhân gây ra những biến đổi khí hậu đã thấy rõ ở một số nơi trên thế giới và sẽ chóng lan rộng ra nhiều nơi trong những năm 2030-2040.

Theo Báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 về “Báo cáo rủi ro toàn cầu”, trong những thập kỉ tới các cuộc khủng hoảng nước sẽ tăng cao.

Trong tương lai, người dân ở dãy Himalaya sẽ phải đối mặt với lũ lụt, trong khi những người ở dãy Andes sẽ có những đợt khô hạn, hạn hán và ngày càng ít nước hơn.